Xu hướng toàn cầu hóa trong văn học: trường hợp giao lưu văn học Việt - Hàn

Xu hướng toàn cầu hóa trong văn học: trường hợp giao lưu văn học Việt - Hàn 1. Ở một khía cạnh nhất định, giao lưu văn học có thể được ...

Xu hướng toàn cầu hóa trong văn học: trường hợp giao lưu văn học Việt - Hàn

1. Ở một khía cạnh nhất định, giao lưu văn học có thể được nhìn nhận với tư cách là sự tự ý thức về chính văn học thông qua việc thể hiện song song hai nhu cầu tưởng chừng như đối nghịch là nhu cầu tìm hiểu, tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa của đối tượng khác (tha nhân) và nhu cầu giới thiệu, quảng bá những giá trị riêng có của bản thân. Hai nhu cầu ấy, tùy theo bối cảnh chính trị - xã hội, tùy theo tư duy của những người trong cuộc mà có lúc bên nặng bên nhẹ khác nhau. Hai nhu cầu ấy, thú vị thay, lại rất phù hợp với tích cách/ bản chất của quá trình toàn cầu hóa (Globalization). Toàn cầu hóa là khái niệm được đặt ra nhằm biểu đạt sự trao đổi, liên kết đang ngày càng được tăng cường giữa các quốc gia, các khu vực, các vùng lãnh thổ. Thuật ngữ này xuất hiện vào những năm 50 và được sử dụng một cách phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Những hiệu quả mà toàn cầu hóa mang lại đã khiến cho quá trình của chính nó trở thành một xu thế tất yếu. Trong hành trình của toàn cầu hóa, của giao lưu văn học, dịch thuật có vai trò hết sức đặc biệt. Bởi vì, một trong những biểu hiện cụ thể dễ nhận thấy của xu hướng toàn cầu hóa chính là sự gia tăng quá trình trao đổi văn hóa, trong đó có xuất khẩu các văn hóa phẩm, cụ thể là tác phẩm văn học. 

giao lưu văn học Việt - Hàn
Giao lưu văn học Việt - Hàn
Tuy là hai nước Đông Á cách xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về các yếu tố địa - chiến lược, địa - lịch sử, địa - văn hóa (mà yếu tố đồng văn thường được nhấn mạnh hơn cả). Lịch sử bang giao song phương ở riêng lĩnh vực văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn (thời điểm này là cả bán đảo Triều Tiên) đã được hình thành từ thế kỷ XIV nhưng phải đến giữa thế kỷ XX, công tác dịch văn học của hai nước mới có dấu hiệu của sự khởi động. Với việc chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao qua Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 22/12/1992, hoạt động dịch thuật và giới thiệu văn học Hàn Quốc ở Việt Nam thực sự đi vào quỹ đạo của sự phát triển. Tháng 8/2001, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI, và đến tháng 10/2009 tiếp tục nâng cấp thành Đối tác hợp tác chiến lược. Chính những cơ sở chính trị này đã tạo tiền đề cho quá trình giao lưu văn học Việt - Hàn phát triển. 

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, tính đến tháng 11/2016, đã có gần 130 đầu sách văn học Hàn Quốc được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều đơn vị xuất bản có định hướng đẩy mạnh công tác dịch văn học Hàn, nổi bật là Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (Hà Nội) và Nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM) với nhiều ấn phẩm cập nhật tình hình văn học đương đại ở Hàn Quốc. Trong tâm thế tạo sự “thông hiểu, hợp lực để cùng phát triển”, ngoài hoạt động giảng dạy, Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM từng tổ chức dịch và phát hành miễn phí tập sách Những bài thơ hay của văn học hiện đại Hàn Quốc. Sách tập hợp 60 bài thơ được cho là tiêu biểu của Hàn Quốc với lời dịch Việt ngữ trong sáng, gần gũi kèm hình minh họa đặc sắc, quyển sách thật sự là tài liệu hữu ích để độc giả Việt Nam tiếp cận với thơ ca Hàn Quốc. 

Không cần đến một cuộc khảo sát xã hội học, nhìn qua thực trạng nêu trên (trên bình diện xuất bản) chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy của văn học Hàn Quốc có vai trò khá mờ nhạt so với các sản phẩm văn hóa khác (phim truyền hình, điện ảnh, thời trang, ẩm thực…) trong đời sống tinh thần của đại chúng Việt trong sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc. 

Câu chuyện về giao lưu văn học Việt - Hàn còn thể hiện ở các hoạt động tiếp nhận của giới nghiên cứu. Song song với các lĩnh vực kinh tế, triết học, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, công tác nghiên cứu văn chương hai nước Việt Nam - Hàn Quốc cũng đi vào phác thảo quan hệ so sánh, đối chiếu trong tâm thế tìm ra những điểm tương đồng dị biệt giữa hai dân tộc, kết nối nhau bằng những liên hệ đồng dạng, khẳng định những giá trị cốt lõi riêng biệt. Đề án Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam [AKS-2012-BBZ-211] đang dần được hiện thực hóa bởi hàng loạt các hội thảo, tọa đàm lớn nhỏ như: Hội thảo khoa học quốc tế Văn học Hàn Quốc trong bối cảnh châu Á (tháng 01/2014), Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ pháp tiếng Hàn và Văn hóa - Xã hội Hàn Quốc (tháng 8/2016) v.v.. 

Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội là một trong những địa chỉ mạnh về công tác nghiên cứu Hàn Quốc. Các Hội thảo Dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam (tháng 11/2014), Văn học Hàn Quốc tại Việt Nam (tháng 11/2015, phối hợp với Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc) thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy, nhiều dịch giả Hàn Quốc và Việt Nam quan tâm tham dự. 

Gặp gỡ văn chương Việt Hàn - Korean Vietnam literary exchange event là chương trình được tổ chức thường niên bởi sự phối hợp thực hiện giữa Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc한국문학번역원và Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM. Chương trình được khởi động vào năm 2014 với buổi giao lưu giữa hai tác giả Nguyễn Ngọc Tư và Kim Young-ha. Theo sau đó là các buổi giao lưu giữa tác giả Hồ Anh Thái và Jeong You-jeong (2015), tác giả Võ Diệu Thanh và Hwang Sun-mi (2016). Cũng nằm trong khuôn khổ của chương trình này, các buổi tọa đàm với chủ đề Phương hướng tăng cường trao đổi, hợp tác dịch thuật và giới thiệu văn học góp phần xúc tiến quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc (2015), Xúc tiến giao lưu văn học dịch Việt Nam - Hàn Quốc (2016) đã tạo cơ hội cho các bên trong lĩnh vực văn chương trao đổi, tổng kết, xúc tiến hoạt động kết nối giao lưu. 

Bên cạnh hai đơn vị nêu trên, công tác giao lưu văn học Việt - Hàn còn được đẩy mạnh bởi nhiều đơn vị khác như: Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (Korean Research Association of Vietnam - KRAV), Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các trường Đại học, Cao đẳng có giảng dạy Hàn Quốc học v.v..

Như vậy, từ lĩnh vực xuất bản đến nghiên cứu chuyên ngành, hoạt động giao lưu văn học Việt - Hàn đã có một diện mạo chung tương đối sôi động và có tiềm năng được đẩy mạnh trong tương lai. 

2. Khái niệm giao lưu (exchange) tự trong nội hàm của nó đã định hướng đến sự đối thoại và hợp tác từ hai phía. Tuy vậy, tình hình tiếp nhận văn học Việt Nam ở Hàn Quốc đang trong tình trạng trầm lặng hơn so chiều hướng ngược lại. Hiện nay, (theo thông tin chúng tôi tổng hợp từ internet), số lượng tác giả Việt Nam có tác phẩm được dịch ở Hàn Quốc chỉ vỏn vẹn một vài tên tuổi. Có thể kể đến như các nhà văn Bảo Ninh, Văn Lê, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái và nhà thơ Hữu Thỉnh. Về công tác nghiên cứu, trong bài viết Tình hình nghiên cứu văn học Việt Nam ở Hàn Quốc vào năm 2008, GS.TS. Kim Ki-tae đã thẳng thắn chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, số lượng học giả nghiên cứu về văn học Việt Nam rất ít. Văn học hiện đại thì càng ít”. Trước thực trạng có phần “tẻ nhạt” đó ông bày tỏ mong muốn “trong tương lai sẽ có thêm nhiều nghiên cứu về văn học Việt Nam tại Hàn Quốc cùng hòa với việc nghiên cứu văn học Trung Quốc, Đông Bắc Á”. Gần mười năm đã trôi qua tính từ lúc GS.TS. Kim Ki-tae viết nhận định này, khung cảnh tiếp nhận văn học Việt Nam ở Hàn Quốc, trong chừng mực nhất định, có thể nói, tuy có ít nhiều biến chuyển nhưng vẫn chưa tương ứng với tiềm năng vốn dĩ. Thực tế, hiện trạng nghiên cứu này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của những người trong cuộc. Một điểm đáng chú ý là trong khi Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc đã tổ chức trao giải thưởng văn học dịch cho các dịch giả Việt Nam dịch xuất sắc các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt thì các dịch giả dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc chưa có được sự khích lệ tương tự.

Trần Xuân Tiến (TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN )

Related

Culture 8095544233314879874

Đăng nhận xét

emo-but-icon

TÌM TRƯỜNG

Seoul (21) Busan (6) Gyeonggi do (5) Suwon (4) Daejeon (2) Gwangju (2) Incheon (2) Ulsan (2) Ansan (1) Cheonan (1) Cheongju (1) Chungju (1) Daegu (1) Daejon (1) Gyeongju (1) Gyeongsang (1) Jeju (1) Jeonju (1) Mapo (1) Pohang (1) Sangnok-gu (1) Seongdong-gu (1)

Recent Posts

Thời tiết

Random Posts

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ

QUY ĐỔI TIỀN HÀN

item
- Navigation -